Trang Thông tin điện tử

Thị trấn Phát Diệm - Huyện Kim Sơn

Chủ nhật, 05/05/2024

Tổng kết công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 năm 2023

Thứ tư, 27/03/2024

        Chiều 30/1, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng các Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC), Chuyển đổi số tỉnh; Tổ trưởng tổ công tác triển khai Đề án 06 của UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tổng kết công tác CCHC năm 2023, đánh giá tình hình kết quả 2 năm thực hiện Đề án 06 và tổng kết công tác phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

         Cùng dự hội nghị có đồng chí Tống Quang Thìn, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực các Ban chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh, thành viên 02 Ban chỉ đạo, thành viên tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố.

Quang cảnh hội nghị

         Năm 2023, UBND tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã chú trọng, tập trung, chỉ đạo thực hiện CCHC, phát huy trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử được chú trọng; kỷ luật, kỷ cương hành chính tiếp tục được tăng cường; Công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, tuyển dụng, thi tuyển, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng... được thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Toàn tỉnh đã triển khai toàn diện, hiệu quả 6 nội dung cải cách hành chính, hoàn thành 40/40 nhiệm vụ, đạt 100% kế hoạch cải cách hành chính năm 2023.  

         Cụ thể: đã tham mưu trình HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành 29 nghị quyết và 71 quyết định đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các Sở, ban, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh cắt giảm được 02 bước thực hiện gần 1.860 quy trình nội bộ giải quyết TTHC; công bố mới, sửa đổi, bổ sung 594 TTHC và hủy bỏ 631 TTHC. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa tiếp tục được các cơ quan, đơn vị quan tâm tổ chức thực hiện, tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến đạt trên 70%. Năm 2023, các Sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận trên 492.000 hồ sơ, trong đó 99,95% hồ sơ được giải quyết đúng hạn.

        Về kết quả 2 năm thực hiện Đề án 06: Tỉnh ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án 06 bảo đảm đúng tiến độ và yêu cầu. UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 02 Nghị quyết để triển khai thực hiện Đề án 06; đã thực hiện kết nối chính thức Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; thực hiện 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt khá cao trên 70%; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã kết nối và liên thông với Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã trang bị máy móc, thiết bị để người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp khám chữa bệnh; Từ ngày 25/5/2023, Ninh Bình là 1 trong 5 tỉnh hoàn thành sớm nhất toàn quốc việc cấp 100% thẻ CCCD gắn chíp cho công dân; Toàn tỉnh đã cấp gần 700.000 tài khoản định danh điện tử, vượt chỉ tiêu Bộ giao. Việc tích hợp giấy tờ, Giấy phép lái xe, Bảo hiểm y tế vào tài khoản định danh điện tử đang được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực.

       Về kết quả xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình năm 2023: UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản để chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả. Công tác truyền thông; Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số được quan tâm, chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức nâng cao chất lượng, hiệu quả đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Hạ tầng công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, các nền tảng số tiếp tục được đầu tư xây dựng, phát triển. Đến hết năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác sử dụng ổn định, hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung tạo tiền đề thúc đẩy công tác xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số.

       Ninh Bình là một trong các địa phương sớm triển khai thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp và hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia; tỉnh đã hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác, sử dụng, tổ chức quản lý, vận hành đảm bảo ổn định, an toàn, hiệu quả các nền tảng số dùng chung quy mô cấp tỉnh phục vụ xây dựng, phát triển Chính quyền số; cơ bản hoàn thành triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp sở, ngành; mô hình “Chính quyền số cấp huyện” tại thành phố Tam Điệp; 92 xã trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành chuyển đổi số cấp xã theo tiêu chí mô hình phiên bản 1.0; kinh tế số tiếp tục có sự chuyển biến tích cực; Việc thực hiện các chỉ tiêu được Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia giao về phát triển xã hội số đều đạt và vượt.

       Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận làm rõ hơn những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số, việc triển khai thực hiện Đề án 06 tại các địa phương, đơn vị; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, đặc biệt chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế còn gặp phải trong chuyển đổi số lĩnh vực y tế; vấn đề thực hiện chuyển đổi số cấp xã; việc số hoá hộ tịch; vấn đề bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin ở các cấp…

      Đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tăng cường tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rà soát cắt giảm các bước, thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian đi lại, nâng cao sự hài lòng của người dân; bố trí kinh phí số hoá các xã còn lại đảm bảo tiến độ, lộ trình; bố trí thêm cán bộ tư pháp – hộ tịch tại các xã, phường, thị trấn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh các giải pháp làm sạch cơ sở dữ liệu dân cư, nhất là dữ liệu về đất đai, hộ tịch; tăng cường tuyên truyền thực hiện hiệu quả việc phòng chống lừa đảo quan mạng…

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị 

         Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng tổ công tác triển khai Đề án 06 của UBND tỉnh nhấn mạnh: Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Chính phủ, sự quyết tâm của tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của từng sở, ngành, địa phương, nhất là của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, do đó công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của tỉnh trong năm 2023 đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH, nâng cao sự hài lòng, tin tưởng của người dân và doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, mang lại những hiệu quả, hiệu ứng tốt, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

        Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý một số vấn đề cần quan tâm, trong đó quan trọng nhất là từng huyện, thành phố, từng ngành phải xác định được công việc cụ thể, làm việc nào tập trung dứt điểm việc ấy, trong quá trình thực hiện phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả; Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông tăng hướng dẫn về trình tự thủ tục, định mức, đảm bảo đồng bộ hóa các sản phẩm để nâng cao hiệu quả.

        Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ngoài các nội dung đã nêu trong các dự thảo báo cáo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung làm rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế để xác định các giải pháp trên từng lĩnh vực. Trong đó, đối với công tác chuyển đổi số phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đào tạo bồi dưỡng, cơ cấu lại đội ngũ trong cơ quan, đơn vị để mỗi cán bộ phải là những người thực hiện nhiệm vụ này và thực hiện tốt theo tinh thần là người ứng dụng chứ không phải người lập trình, thiết kế.

        Trong cải cách hành chính, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất để cùng quyết tâm, cùng trao đổi, chia sẻ tìm ra cách làm hiệu quả, khả thi và tham mưu có trách nhiệm với nội dung ngành, lĩnh vực phụ trách, tiếp tục triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các nội dung có liên quan; rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

       Đối với thực hiện Đề án 06, đồng chí đề nghị tiếp tục đầu tư nâng cấp đảm bảo hạ tầng công nghệ, nguồn lực; các đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu, chủ trì, phối hợp, tổ chức nghiên cứu cách thức thực hiện đảm bảo đồng bộ, đồng loạt và tương thích; trong đó lựa chọn một việc phù hợp để đầu tư toàn tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử để phục vụ cho phát triển kinh tế nói chung; đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân mang lại hiệu quả ngay như: ngân hàng, viễn thông, y tế, giáo dục, qua đó thúc đẩy thực hiện Đề án 06 và khi ứng dụng tốt, mang lại hiệu quả thì người dân sẽ tự động sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an ninh mạng 

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư 

        Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn đã trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an ninh mạng năm 2022 – 2023; trong triển khai thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023.

                                                                                                                                                                                                          Theo nbtv.vn

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 37452

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 120