Trang Thông tin điện tử

Thị trấn Phát Diệm - Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Một số điểm mới cơ bản của Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp

Thứ năm, 25/03/2021

Một số điểm mới cơ bản của Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CƠ BẢN

Của Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp

 

Ngày 03/3/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, có hiệu lực 20/4/2020. Thông tư 01/2020/TT-BTP có một số điểm mới cơ bản như sau:

1. Về cách ghi số chứng thực 

Thông tư 01/2020/TT-BTP đã quy định cụ thể cách ghi số chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, cụ thể:

1.1. Số chứng thực bản sao từ bản chính theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP là số chứng thực được ghi theo từng loại giấy tờ được chứng thực; không lấy số chứng thực theo lượt người yêu cầu chứng thực. 

Ví dụ: ông A yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính 03 (ba) loại giấy tờ: Chứng minh nhân dân mang tên ông Nguyễn Văn A, chứng minh nhân dân mang tên bà Nguyễn Thị B và sổ hộ khẩu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn A. Khi lấy số chứng thực, bản sao chứng minh nhân dân mang tên ông Nguyễn Văn A được ghi một số, bản sao chứng minh nhân dân mang tên bà Nguyễn Thị B được ghi một số và bản sao sổ hộ khẩu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn A được ghi một số. Như vậy, cơ quan thực hiện chứng thực sẽ lấy 03 (ba) số chứng thực khác nhau cho 03 (ba) loại giấy tờ. 

1.2. Số chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản và chứng thực chữ ký người dịch là số chứng thực được ghi theo từng loại giấy tờ, văn bản cần chứng thực chữ ký; không lấy số chứng thực theo lượt người yêu cầu chứng thực. 

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn K yêu cầu chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân và giấy ủy quyền nhận lương hưu, thì phải ghi thành 02 (hai) số chứng thực khác nhau, 01 (một) số đối với chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân và 01 (một) số đối với chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền nhận lương hưu. 

1.3. Số chứng thực hợp đồng được ghi theo từng việc; không lấy số theo lượt người yêu cầu hoặc theo số bản hợp đồng.

2. Về thu hồi, hủy bỏ văn bản đã chứng thực không đúng pháp luật 

Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng như Thông tư 20/2015/TT-BTP chỉ quy định về giá trị pháp lý của bản sao được chứng thực, không quy định việc thu hồi, hủy bỏ văn bản chứng thực không đúng pháp luật đã gây khó khăn cho các cơ quan khi phát hiện chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký không đúng thì thu hồi, hủy bỏ như thế nào. 

Thông tư 01/2020/TT-BTP đã quy định cụ thể các vấn đề trên, theo đó tại Điều 7 quy định  Giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản đã được chứng thực không đúng quy định pháp luật như sau: 

2.1. Các giấy tờ, văn bản được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không đúng quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư này thì không có giá trị pháp lý.

2.2. Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực quy định tại khoản 1 Điều này đối với giấy tờ, văn bản do Phòng Tư pháp chứng thực. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực quy định tại khoản 1 Điều này đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực. 

Sau khi ban hành quyết định hủy bỏ giấy tờ, văn bản chứng thực, Chủ tịch UBNDn cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm đăng tải thông tin về giấy tờ, văn bản đã được chứng thực nhưng không có giá trị pháp lý lên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh. 

2.3. Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và các cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực quy định tại khoản 1 Điều này đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực và đăng tải thông tin về giấy tờ, văn bản đã được chứng thực nhưng không có giá trị pháp lý lên Trang thông tin điện tử của cơ quan mình. 

2.4. Việc ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý và đăng tải thông tin thực hiện ngay sau khi phát hiện giấy tờ, văn bản đó được chứng thực không đúng quy định pháp luật. 

3. Chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP 

Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng như Thông tư 20/2015/TT-BTP không quy định rõ ràng, cụ thể về chứng thực giấy ủy quyền. Tuy nhiên Thông tư 01/2020/TT-BTP đã bổ sung khá cụ thể về chứng thực giấy ủy quyền tại Điều 14, cụ thể như sau: 

3.1. Việc ủy quyền theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thỏa mãn đầy đủ các điều kiện như không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thì được thực hiện dưới hình thức chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. 

3.2. Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này, việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền; 

b) Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp; 

c) Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa; 

d) Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội. 

3.3. Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch. 

4. Chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân 

Nghị định 23/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đều hướng dẫn khi chứng thực lý lịch cá nhân là chứng thực chữ ký và không được phê vào nội dung lý lịch. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học đều yêu cầu phải ghi nhận xét về hạnh kiểm, chấp hành pháp luật dẫn đến UBND xã rất lúng túng, nếu ghi vào lý lịch thì không đúng pháp luật, không ghi thì gây khó khăn cho công dân.

Thông tư 01/2020/TT-BTP đã tháo gỡ được vướng mắc ở trên, cụ thể tại Điều 14 quy định: 

4.1. Các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân. Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.

4.2. Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực. 

Trên đây là một số nội dung mới cơ bản của Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp./.

 

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 62985

Trực tuyến: 15

Hôm nay: 91